TRANG CHỦ GIỚI THIỆU HOẠT ĐỘNG TIN TỨC LIÊN HỆ Thứ bảy, 20/04/2024
TIN TỨC
Tham luận Hội thảo “PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP VLXD THEO HƯỚNG CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA”

 Tham luận Hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển VLXD Quảng Nam”

 

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP VLXD

THEO HƯỚNG CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA                        

Tiến sỹ Trần Văn Huynh

Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam

 

I. Vật liệu xây dựng là yếu tố trực tiếp tạo thành thực thể công trình, vật liệu xây dựng là “lương thực” của ngành xây dựng

Vật liệu xây dựng thường chiếm đến 60% giá trị trong chi phí xây dựng công trình. Giá trị sản lượng VLXD chiếm đến 7- 8% GDP nước ta, năm 2012 doanh thu của ngành công nghiệp VLXD đạt 190.000 tỷ đồng, vì thế trong những năm qua Nhà nước ta rất quan tâm đầu tư phát triển VLXD, đưa ngành công nghiệp VLXD đi trước một bước.

- Đến nay, ngành công nghiệp VLXD nước ta đã được phát triển mạnh mẽ, không những về số lượng, cả về chất lượng, mặt hàng, mẫu mã, mầu sắc luôn được đổi mới, đáp ứng đầy đủ nhu cầu xây dựng trong nước, mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 1.135 triệu USD.

- Năng lực sản xuất đến năm 2013 của xi măng là 70,39 triệu tấn, gạch ốp lát ceramic, granit, cotto là 435 triệu m2, sứ vệ sinh 13,06 triệu sản phẩm, gạch đất sét nung là 22 tỷ viên, vật liệu không nung 5,4 tỷ viên (trong đó gạch nhẹ AAC là 1,95 triệu m3 bằng 1,3 tỷ viên gạch tiêu chuẩn), kính xây dựng 188 triệu m2, đá ốp lát 13 triệu m2, sơn 350 triệu lít, tấm lợp amiang xi măng 106 triệu m2.

- Bên cạnh thành tích đạt được, ngành công nghiệp VLXD nước ta còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là về trình độ công nghệ không đồng đều, nhiều nhà máy có công nghệ, kỹ thuật còn lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, nguyên liệu, vật tư, năng suất lao động thấp, gây ô nhiễm môi trường sinh thái, chi phí sản xuất cao, sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, năng lực cạnh tranh thấp.

- Đầu tư ào ạt tràn lan theo phong trào, không tuân thủ quy hoạch, không quan tâm đến cung cầu, không tính đầy đủ đến nguồn tài nguyên, điều kiện vận tải, đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

- Bên cạnh sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp nhiều doanh nghiệp ít quan tâm đến đổi mới sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, sức cạnh tranh thấp.

- Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến lợi ích cộng đồng, lợi ích kinh tế, xã hội, vùng, lợi ích lâu dài mà chỉ quan tâm đến lợi ích doanh nghiệp, lợi ích trước mắt, không quan tâm đến phát triển bền vững của toàn ngành, toàn xã hội.

Qua cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính lần này đã thể hiện nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không đủ sức cạnh tranh phải đóng cửa, dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả phải sát nhập, tái cơ cấu, bán cho nước ngoài, thể hiện sự phát triển không bền vững.

II. Phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

1. Trước mắt cần xác định khái niệm về phát triển bền vững:

Là khái niệm trìu tượng không phải là sự phát triển của một công ty, một ngành riêng biệt, mà là phát triển của toàn xã hội và do vậy phải nhận thức như sự tiến hóa của toàn xã hội, mà doanh nghiệp, ngành trở thành một bộ phận hữu cơ của bản thân sự phát triển đó, do đó các tổ chức chính phủ, tổ chức quốc tế phải tham gia tích cực, hỗ trợ quá trình phát triển.

Phát triển bền vững gắn liền với tăng cường hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, với kiến thức khoa học và công nghệ. Phát triển bền vững gắn liền với công bằng xã hội, bình đẳng, đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng không làm phương hại cho các thế hệ mai sau.

2. Nội dung của phát triển bền vững:

Trách nhiệm đối với xã hội, trách nhiệm đối với môi trường và sự phát triển kinh tế là ba yếu tố được coi là “ba trụ cột” của phương châm phát triển bền vững hay nói một cách khác “phát triển bền vững hài hòa ba lợi ích: kinh tế, xã hội và môi trường”, thể hiện qua 8 nội dung then chốt, quan hệ chặt chẽ với ba trụ cột của phát triển bền vững đó là:

2.1. Hiệu suất sử dụng tài nguyên cao, giảm tiêu hao nguyên liệu, tài nguyên hóa thạch, tài nguyên không tái tạo cần phải tiết kiệm, bảo vệ tài nguyên cho xã hội, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

2.2. Bảo vệ môi trường khí hậu, giảm phát tán khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng cường khả năng duy trì cơ cấu môi trường toàn cầu vì lợi ích toàn xã hội, giảm thiệt hại kinh tế liên quan đến biến đổi khí hậu.

2.3. Giảm chất thải công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh, cải thiện chất lượng nước, không khí, bảo vệ môi trường tự nhiên, giảm thiểu bụi, độc hại, tác động bất lợi tới cộng động, cải thiện chất lượng cuộc sống, từ đó giảm thiệt hại kinh tế cho toàn xã hội do ô nhiễm gây ra.

2.4. Trách nhiệm đối với môi trường sinh thái gắn với hiệu quả sử dụng đất, cải thiện, duy trì cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái, đa dạng sinh học cho các thế hệ mai sau.

2.5. Vì phúc lợi nhân viên, điều kiện làm việc an toàn, văn minh, hiện đại, kích thích tinh thần làm việc, nâng cao năng suất lao động, phát triển nghề nghiệp.

2.6. Về phúc lợi cộng đồng, tạo ra môi trường tốt, kể cả tiếng ồn, mùi, độ rung động, bảo đảm an toàn khu vực, cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, cho đội ngũ lao động địa phương. 

2.7. Về sự phát triển vùng gắn liền lâu dài với môi trường sinh thái, với cải thiện hạ tầng, tạo công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế và mức sống của vùng.

2.8. Từ đó tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, tăng khả năng áp dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, tăng cường năng lực cạmh tranh của doanh nghiệp, cải thiện tình hình tài chính của công ty, tăng đóng góp phúc lợi cho cộng đồng địa phương. 

3. Một số giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp VLXD Việt Nam:

3.1. Đầu tư phát triển theo quy hoạch trên cơ sở cân đối cung cầu thị trường trong nước, thị trường khu vực và thế giới, trên cơ sở nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD. Quy hoạch mang tính khoa học, khách quan, hiện thực, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, vì lợi ích toàn ngành, toàn xã hội.

3.2. Khoa học công nghệ, động lực phát triển bền vững, cần được khai thác triệt để để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mặt hàng, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái, tiết kiệm năng lượng sử dụng phế thải công nghiệp, tiết giảm chi phí sản xuất, năng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

3.3. Phát triển sản xuất và sử dụng VLXD không nung đạt 40% vào năm 2020 thay thế gạch đất sét nung theo Quyết định 567/QĐ-TTg, ngày 28/4/2010 và Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 16/4/2012 về việc Tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Bảo vệ 4 triệu ha đất ruộng để bảo đảm an ninh lương thực, giảm tiêu hao than, bảo vệ môi trường sinh thái cho cộng đồng, bảo vệ năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời sử dụng được tro bay, xỉ của các nhà máy nhiệt điện đốt than theo Sơ đồ 7 phát triển điện lực Việt Nam theo Quyết định số 1208, ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện đốt than là 3.600 MW, tiêu thụ 67 triệu tấn than, thải ra 20 triệu tấn tro xỉ. Năm 2030 công suất 7.100 MW thải ra 40 triệu tấn tro xỉ và khoảng 5 triệu tấn SO2, nếu thu hồi tốt được 5 - 6 triệu tấn thạch cao phục vụ cho sản xuất xi măng, vật liệu không nung. Đây là giải pháp hiệu quả, vững chắc để phát triển bền vững, không những cho nước ta mà cả thế giới đang được sử dụng 70 - 80% là vật liệu không nung, 20 - 30% gạch đất sét nung.

- Để thực hiện Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng, các địa phương khẩn trương cho đầu tư các cơ sở sản xuất vật liệu không nung xi măng cốt liệu mạt đá, tro bay, xỉ, cát theo mô hình dây chuyền từ 2; 5; 10; 15; 20; 25; 35 triệu viên/ năm theo nhu cầu thị trường của địa phương mình, cương quyết dẹp bỏ lò gạch thủ công, không đầu tư mới lò đứng cải tiến, lò Hoffmann cải tiến, hạn chế đầu tư mới lò tuy nen.

- Phát triển sản xuất và sử dụng bê tông khí chưng áp (gạch nhẹ AAC),được sản xuất từ cát nghiền mịn hoặc tro bay kết hợp với xi măng, vôi, thạch cao, bột nhôm và nước, được chưng áp trong Autoclave. Qua phản ứng hóa học tạo ra sản phẩm siêu nhẹ, có độ bền cao và nhiều tính năng vượt trội, tỷ trọng khô từ 400 - 800 kg/m3, cường độ nén từ 3,5 - 7,5 Mpa, độ bền cao, cách âm tốt, giảm âm ≥ 48 db, cách nhiệt tốt do độ dẫn nhiệt thấp 0,1529 W/m.k, chống cháy tốt, thi công dễ dàng, nhanh gấp 3 lần xây gạch đất sét, ít tốn kém vữa xây, vữa trát; do vật liệu siêu nhẹ nên giảm tải công trình, nhất là kết cấu móng (giảm 1/3). Là vật liệu mới đối với nước ta, nhưng thế giới đã sử dụng gần 80 năm, kết cấu công trình vẫn bền vững. Theo Quyết định 567, đến năm 2020 bê tông khí chưng áp sẽ chiếm 25% tổng lượng vật liệu xây khong nung, khoảng 6 - 7 triệu m3.

3.4. Các nhà máy xi măng có công suất lò nung từ 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên đầu tư dây chuyền thu hồi khí thải nhiệt độ cao của lò nung clanhke để phát điện, tiết kiệm 25% điện năng cho sản xuất xi măng và giảm khí thải hiệu ứng nhà kính, giảm khí thải CO2 (do đốt than để phát điện), bảo vệ môi trường sinh thái cho cộng đồng.

3.5. Triệt để sử dụng chất thải công nghiệp, chất thải dân dụng để làm nhiên liệu, nguyên liệu sản xuất VLXD, tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái vì lợi ích doanh nghiệp, lợi ích cộng đồng (thu hồi thạch cao từ khí thải, tro bay, xỉ than từ các nhà máy nhiệt điện đốt than).

3.6. Chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức khai thác tài nguyên khoáng sản nhằm tiết kiệm, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, vì lợi ích lâu dài cho muôn đời con cháu mai sau, vì lợi ích cộng đồng. Áp dụng công nghệ khai thác bán lộ thiên, khai thác âm, tận thu tài nguyên, hoàn thổ, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

3.7. Thực hiện tái cấu trúc, hình thành các tổ hợp sản xuất, kinh doanh VLXD có đủ sức mạnh về tài chính, về đội ngũ, nắm bắt, làm chủ công nghệ tiến tiến, kỹ thuật hiện đại, quản lý sản xuất kinh doanh hiện đại, hình thành các trung tâm thương mại VLXD ở các vùng lãnh thổ, giao lưu trong nước, ngoài nước, không những làm chủ thị trường trong nước mà còn tiến ra thị trường lớn có tiềm năng lâu dài của khu vực và thế giới, tạo dựng thị trường VLXD sôi động phát triển bền vững.

3.8. Để phát triển bền vững, cần có sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong việc ban hành cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển đến triển khai thực hiện, vì lợi ích cộng đồng, lợi ích lâu dài của quốc gia.

- Ban hành cơ chế chính sách kèm theo chế tài thực hiện việc ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD không nung, vật liệu mới, sử dụng phế thải công nghiệp, phế thải dân dụng, phế thải nông nghiệp, giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%, ưu đãi cấp vốn tín dụng cho đầu tư sản xuất, chế tạo thiết bị làm vật liệu xây không nung, vật liệu mới.

- Triển khai làm đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường cao tốc bằng bê tông xi măng, vừa kích thích tiêu thụ xi măng, không nhập khẩu nhựa đường, vừa bảo đảm chất lượng đường bền vững lâu dài, tiết kiệm ngân sách nhà nước vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích cộng đồng. Nhà nước có chính sách, chương trình sử dụng rộng rãi bê tông xi măng, xây dựng kết cấu hạ tầng, kè sông kè biển, chống sạt lở, ứng phó với biến đổi khí hậu.

III. Công nghiệp VLXD tỉnh Quảng Nam nhìn từ góc độ phát triển bền vững

1. Quảng Nam được đánh giá là một tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản làm VLXD ở Trung bộ, với trữ lượng đá xây dựng 50 - 60 tỷ m3, đá vôi xi măng 558 triệu tấn, đá ốp lát nhiều loại màu sắc khác nhau, cát sỏi xây dựng phân bổ ở nhiều dòng sông, cát trắng chất lượng tốt, hàm lượng SiO2 trên 95% với trữ lượng trên 300 triệu m3, lại có các mỏ fenspat (trường thạch) trên 2,2 triệu m3 có thành phần kali xếp loại I của nước ta, có cả mỏ cao lanh, mỏ laterit v.v…

Là tỉnh đông dân 1.435.000 người, trong đó độ tuổi lao động trên 900.000 người, lực lượng lao động dồi dào. Là tỉnh giàu tiềm năng để phát triển sản xuất VLXD: xi măng, kính xây dựng, gốm sứ xây dựng, đá ốp lát, vật liệu không nung xi măng cốt liệu, vật liệu nhẹ AAC, cát sỏi không chỉ cho thị trường của tỉnh mà còn cung cấp cho thị trường Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, các tỉnh Tây Nguyên và xuất khẩu sang Lào.

2. Trong những năm qua Quảng Nam đã nỗ lực đầu tư phát triển ngành công nghiệp VLXD, đã đưa công nghiệp VLXD của tỉnh từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ thủ công lạc hậu đến hiện đại, thành quả đáng tự hào. Có nhà máy gạch ốp lát ceramic, granite của Công ty Prime ở Đại Lộc với công suất 24 triệu m2/năm, lớn nhất với 8 dây chuyền được trang bị thiết bị hiện đại, sử dụng kỹ thuật số, cùng với gạch granite Đồng Tâm ở Điện Ngọc, gạch ốp lát Anh Em Chu Lai, đưa tổng công suất gạch ốp lát ceramic, granite của Quảng Nam lên 34 triệu m2/năm, chiếm 8% công suất toàn quốc. Với Công ty kính nổi Chu Lai có công suất lớn nhất 800 tấn/ngày, 44 triệu m2 kính tiêu chuẩn/năm, 35 xí nghiệp gạch nung có công suất 600 triệu viên, gạch không nung 33 triệu viên chỉ bằng 5,5% (tỷ lệ quá thấp), đá xây dựng có 22 doanh nghiệp với công suất 1.230.000 m3/năm. Xi măng đến nay mới đầu tư với công nghệ trung bình v.v…

3. Một số giải pháp để phát triển bền vững ngành công nghiệp VLXD tỉnh Quảng Nam

3.1. Dựa vào lợi thế tài nguyên khoáng sản, về thị trường tiêu thụ VLXD trong khu vực, về nguồn lao động dồi dào, về vị thế giao thông thuận lợi, tỉnh cần tập trung xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh VLXD theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quy hoạch mang tính khoa học, khách quan, hiện thực, chống duy ý chí, gắn chặt lợi ích của địa phương với lợi ích toàn vùng, lợi ích toàn xã hội, lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài. Quy hoạch là công cụ quản lý nhà nước theo Nghị định 124/2007/NĐCP của Thủ tướng Chính phủ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác quy hoạch phát triển VLXD trên địa bàn, đến nay có 51 tỉnh thành phố đã lập quy hoạch VLXD, còn 12 tỉnh chưa lập, trong đó có Quảng Nam.

3.2. Khoa học công nghệ, động lực phát triển bền vững cần được khai thác triệt để ứng dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất cho các xí nghiệp hiện tại và cho đầu tư các xí nghiệp mới để giảm tiêu hao năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng phế thải công nghiệp, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

3.3. Về xi măng, với trữ lượng đá vôi lớn của mỏ đá A-Sờ Đông Giang, chất lượng tốt nên đầu tư nhà máy xi măng có công suất 3 triệu tấn xi măng/năm để cung cấp cho toàn vùng, với lò nung cỡ lớn có công suất từ 4.000 tấn clanhke/ngày trở lên, sản xuất clanhke PC 50-60, với công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, tiêu thụ điện cho 1 tấn xi măng < 90 KWh/tấn xi măng PCB 40, tiêu hao nhiên liệu ≤ 730 Kcal/kg clanhke, bụi khí thải lò nung < 30 mg/Nm3.

Để tận dụng nguồn đá vôi của các mỏ nhỏ mồ côi để đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất vôi công nghiệp hiện đại công suất 200 - 400 tấn/ngày với một cặp lò đứng liên hoàn, tự động hóa, đồng bộ để sản xuất vôi tôi chất lượng cao, phục vụ cho xây dựng hiện đại, sản xuất bê tông nhẹ AAC.

3.4. Về gạch đất sét nung, hiện có 35 cơ sở công suất 600 triệu viên, hầu hết sử dụng đất ruộng, cần phải rà soát lại, loại bỏ các lò gạch sử dụng đất ruộng lúa, không đầu tư mới năng công suất lên 1.300 triệu viên vào năm 2015 (như dự báo). Thay vào đó, cần đầu tư phát triển mạnh mẽ vật liệu xây không nung như Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ. Quảng Nam có lợi thế về nguyên liệu cát, mạt đá xây dựng thải ra khoảng 200.000 m3/năm. Có khả năng phát triển vật liệu không nung từ cốt liệu xi măng lên 200 - 300 triệu viên/năm và nên nghiên cứu để đầu tư một nhà máy sản xuất sản xuất bê tông nhẹ khí chưng áp AAC có công suất 200.000 m3 vào giai đoạn 2015 - 2016 để cung cấp cho các tỉnh miền Trung. Đưa tổng công suất vật liệu xây không nung chiếm 40 - 50% trên tổng số vật liệu xây vào năm 2020. Trước mắt đề nghị Tỉnh chỉ đạo quyết liệt thực hiện Thông tư 09/2012/TT-BXD, ngày 28/11/2012 về việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, tất cả các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung, sử dụng tối thiểu 30% bê tông nhẹ AAC vào nhà cao tầng.

3.5. Về gốm sứ xây dựng hiện nay trong phạm vi toàn quốc cung vượt cầu, không nên đầu tư mới, nên đầu tư chiều sâu nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất mặt hàng mới bằng công nghệ Nano, công nghệ in kỹ thuất số, nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu, chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

3.6. Về thủy tinh xây dựng, nên nghiên cứu đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng kính mầu, kính phản quang, kính cường lực, kính Low-E, kính tấm lớn. Nên kêu gọi đầu tư một nhà máy sản xuất Soda công suất khoảng 200.000 - 300.000 tấn/năm để phục vụ cho sản xuất thủy tinh trong nước (hiện nay đang nhập khẩu).

Quảng Nam có tài nguyên cát trắng chất lượng tốt, trữ lượng lớn nên quy hoạch đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp thủy tinh, không xuất khẩu cát trắng nguyên liệu, lãng phí tài nguyên.

3.7. Để tận dụng nguồn lao động dồi dào, có tay nghề, Tỉnh cho phát triển cơ sở sản xuất đá chẻ, đá ốp lát, đá mỹ nghệ.

3.8. Về khai thác tài nguyên khoáng sản làm VLXD ở Tỉnh ta còn nhiều bất cập. Việc cấp mỏ cho đơn vị, cá nhân chưa đúng đối tượng, không đủ năng lực, thủ tục cấp mỏ còn nhiều phiền hà, nhũng nhiễu, thời hạn cấp mỏ quá ngắn, khai thác đa số theo công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí thất thoát tài nguyên. Nên quy hoạch lại khai thác tài nguyên theo công nghệ hiện đại, đặc biệt khai thác cắt tầng, khai thác bán lộ thiên, khai thác âm để tận thu tài nguyên, bảo vệ môi trường, đặc biệt là khu vực các mỏ fenspat (tràng thạch) ở Đại Lộc, nên kêu gọi đầu tư một nhà máy sản xuất frit, công suất 30.000 - 40.000 tấn/năm để cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Quảng Nam là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản làm VLXD, lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ khu vực rộng lớn, giao thông vận tải thuận lợi, Tỉnh cần có quy hoạch, có chính sách thu hút đầu tư để phát triển ngành công nghiệp VLXD tỉnh nhà theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn kết phát triển công nghiệp VLXD với công nghiệp xây dựng, với hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới, tạo dựng thị trường VLXD sôi động, bền vững. 

Ngày đưa tin:  19/08/2013
TIN TỨC - HOẠT ĐỘNG
Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết - Xây dựng ký túc xá; các hạng mục thiết yếu đạt tiêu chuẩn trường chuyên (giai đoạn 2)
Trụ sở làm việc Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Nhiệm kỳ 2023-2028 của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam
Tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông Nhiệm kỳ 2023-2028
Trụ sở Công an xã Cẩm Thanh
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam năm 2022
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam năm 2022 v/v thay đổi địa chỉ TSLV CTy
Tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022
Nhà làm việc và lưu trữ tài liệu huyện Phú Ninh
Nâng cấp trụ sở làm việc, văn phòng Công ty Truyền tải điện 2
1 / 30 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Bản quyền của CTCP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam
Địa chỉ: 01 Trần Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam; ĐT-Fax: 0235 3810913; Email: quyhoachqnam@gmail.com
Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 được chứng nhận bởi Kencert; Số: 13222100 ngày 24/01/2021
Design by CTI JSC - Võ Văn Mỹ: 0982448117