TRANG CHỦ GIỚI THIỆU HOẠT ĐỘNG TIN TỨC LIÊN HỆ Thứ ba, 16/04/2024
TIN TỨC
Tham luận Hội thảo “QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐẠI LỘC, TỈNH QUẢNG NAM”

Tham luận Hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển VLXD Quảng Nam”

 

QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐẠI LỘC, TỈNH QUẢNG NAM

Ủy ban nhân dân huyện Đại Lộc


Huyện Đại Lộc nằm về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm tỉnh lỵ 62 km; cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 30 km về phía Tây Nam. Đại Lộc là một huyện vừa đồng bằng, trung du và miền núi có 9/18 xã, thị trấn là xã miền núi, với diện tích tự nhiên trên 58.700 ha; trong đó đất canh tác nông nghiệp là 8.233 ha, đất rừng trồng 19.141 ha, đất rừng tự nhiên 15.695 ha, đất phi nông nghiệp 9.676 ha. Dân số đến cuối năm 2012 có trên 147.000 người, lao động trong độ tuổi trên 65.000 lao động.

Về tài nguyên khoáng sản, có thể nói Đại Lộc là vùng có đa dạng về tài nguyên khoáng sản như vàng, uranium, than đá, đá vôi, đất sét… Tuy nhiên trữ lượng các loại khoáng sản không nhiều, chất lượng khoáng sản vào loại trung bình. Nguồn tài nguyên này cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đại Lộc phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng trong giai đoạn hiện nay cũng như cho tương lai sau này.

Nếu tính thời gian từ sau khi đất nước thống nhất đến nay, ngành khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng của huyện Đại Lộc có thể phân ra làm ba giai đoạn: (I) giai đoạn 1975 đến 1986 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước hai thành phần kinh tế: Kinh tế quốc doanh và kinh tế hợp tác xã làm nền tảng; (II) giai đoạn 1986 - 2000: thời kỳ đổi mới, các thành phần kinh tế được tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh; (III) giai đoạn 2001 đến nay: thời kỳ mở cửa hội nhập kinh tế thế giới.

Trong thời kỳ bao cấp, khi thực hiện chủ trương hợp tác hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cả tỉn, 1978 - 1988, các hợp tác xã có điều kiện về vốn, nguyên liệu đã đầu tư các lò gạch, ngói nung bằng phương pháp thủ công đốt bằng củi nhằm phục vụ cho nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất của hợp tác xã, cung cấp một phần cho xã viên và bán ra bên ngoài; vào thời điểm này ở Đại Lộc có khoảng 14 hợp tác xã sản xuất vật liệu xây dựng sản lượng vào khoảng 5 triệu viên/năm, giai đoạn này chưa có sự quản lý của Nhà nước.

Đến thời kỳ đổi mới (1988 - 2005) các thành phần kinh tế được quyền tham gia đầu tư phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng mà chủ yếu là sản phẩm gạch, ngói nung bằng công nghệ thủ công. Trong thời kỳ này, số lượng cơ sở sản xuất gạch nung phát triển rất mạnh tại các xã vùng C và một số xã vùng A do nhu cầu rất lớn của thị trường trong huyện và thành phố Đà Nẵng. Tổng số cơ sở sản xuất gạch thủ công trên địa bàn huyện vào thời điểm này trên 90 cơ sở, sản lượng hàng năm vào khoảng 40 triệu viên/năm (đồng thời, trong giai đoạn này UBND tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng cho đầu tư xây dựng Nhà máy gạch tuynel Đại Hiệp có công suất 26 triệu viên/năm). Do vậy, tổng sản lượng trong những năm 2000 sản phẩm gạch nung trên địa bàn khoảng 55 triệu viên/năm. Việc phát triển nhanh các cơ sở sản xuất gạch thủ công trên địa bàn huyện trong giai đoạn này đã góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường xây dựng trên địa bàn tỉnh, huyện nâng cao giá trị sản lượng công nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động. Song nó đã có tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và môi trường sống của cộng đồng dân cư ở gần các cơ sở sản xuất. Do vậy, trong giai đoạn này, việc quản lý Nhà nước về phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện được chú ý quan tâm hơn, công tác quy hoạch, bố trí lại các cơ sở sản xuất gạch thủ công trên địa bàn huyện được thực hiện, cụ thể: từ năm 1990 - 1995 di dời các cơ sở sản xuất gạch ngói nung trong các khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp vào các vị trí phù hợp, hạn chế tối đa đến dân sinh và sản xuất; xúc tiến quy hoạch cho mỗi xã có điều kiện sản xuất gạch ngói thủ công từ một đến hai vị trí nằm xa khu dân cư, xa vùng sản xuất nông nghiệp để phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện.

Sau khi có Quyết định số 115/2001 ngày 01/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD ngày 24/7/2000 của Bộ Xây dựng, Chỉ thị số 54/1997/CT-UBND ngày 30/12/1997 của UBND tỉnh Quảng Nam về không xây mới các lò nung gạch, ngói bằng phương pháp thủ công, UBND huyện Đại Lộc đã xây dựng kế hoạch và lộ trình xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch ngói bằng phương pháp thủ công trên địa bàn huyện vào thời điểm cuối năm 2005; vận động các chủ cơ sở có tiềm năng hợp tác để đầu tư xây dựng nhà máy gạch tuynel theo chủ trương của Chính phủ và của Tỉnh.

Để xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch thủ công vào năm 2005, ngoài các văn bản của Trung ương, của tỉnh, tháng 4 năm 1999, UBND huyện đã có Chị thị số 05/CT-UBND nghiêm cấm không cho phép phát triển các cơ sở sản xuất gạch thủ công. Đồng thời, chỉ đạo cho các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn có cơ sở sản xuất gạch thủ công tổ chức mời các chủ cơ sở ký cam kết đến cuốn năm 2005 phải ngưng sản xuất theo quy định và tháo gỡ cơ sở sản xuất của mình.

Do có kế hoạch và lộ trình xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch thủ công trên địa bàn huyện, nhờ sự nhận thức đúng đắn và đồng thuận của các chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công, đến 30/12/2005 trên 90 cơ sở sản xuất gạch thủ công trên địa bàn huyện đã được các chủ cơ sở tự giác tháo dỡ hoàn toàn.

Để duy trì và phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện, trong giai đoạn này cũng nằm trong thời kỳ thực hiện chủ trương của Chính phủ, của tỉnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tranh thủ mọi điều kiện và thời cơ để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh. Thực hiện Quyết định 40 của tỉnh về quản lý và cơ chế ưu đãi đầu tư vào các cụm công nghiệp, Đại Lộc đã tiến hành quy hoạch mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, trong đó ưu tiên quy hoạch một số cụm có vị trí thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng để khai thác có hiệu quả về tiềm năng nguyên liệu, lao động và thị trường tiêu thụ. Có thể khẳng định rằng, trong thời gian này, Đại Lộc đã tổ chức vận động thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn nói chung, ngành sản xuất gạch ngói nung bằng công nghệ tuynel nói riêng vào địa bàn huyện. Trong một thời gian ngắn, không những bù đắp cho sản lượng gạch ngói nung thủ công mà còn phát triển nhanh chóng cả về số lượng lẫn chất lượng sản phẩm gạch ngói nung. Tính đến cuối năm 2005, Đại Lộc chỉ còn một nhà máy sản xuất gạch nung tuynel của Công ty Cổ phần Đất Quảng, nhưng đến cuối năm 2007, Đại Lộc đã thu hút và xây dựng hoàn chỉnh thêm 07 nhà máy gạch tuynel đi vào hoạt động ổn định với tổng công suất lên đến gần 150 triệu viên/năm, cung cấp nhu cầu xây dựng cho thị trường thành phố Đà Nẵng và các huyện phía Bắc của tỉnh Quảng Nam.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện Đại Lộc có 10 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có 08 nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel công suất 180 triệu viên/năm, một nhà máy gạch men công suất 24 triệu m2/năm, một nhà máy sản xuất tấm lợp fibro - xi măng công suất 2,4 triệu tấm/năm.

Song song với việc phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, phát triển các sản phẩm gạch ngói tuynel nói riêng, UBND huyện Đại Lộc cũng tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhất là thực hiện công tác quy hoạch, khảo sát, điều tra, trữ lượng khoáng sản… Do vậy, sau khi xem xét và cân đối nguồn nguyên liệu sét hiện có và năng lực sản xuất của các nhà máy tuynel, UBND huyện đề nghị HĐND huyện cho chủ trương không tiếp nhận thêm các dự án sản xuất vật liệu xây dựng bằng nguyên liệu đất sét, nhằm bảo đảm cho các nhà máy hiện có có đủ nguồn nguyên liệu sản xuất lâu dài. Do đó, cuối năm 2007 Đại Lộc có chủ trương không tiếp nhận các dự án sản xuất vật liệu xây dựng bằng nguyên liệu đất sét. Đồng thời, thực hiện chủ trương của Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng và UBND tỉnh về khuyến khích các dự án sản xuất vật liệu xây dựng không nung vào địa bàn. Đến nay Đại Lộc đã tiếp nhận được ba dự án sản xuất vật liệu xây dựng không nung, trong đó hai dự án đầu tư nhà máy sản xuất gạch bê tông khí chưng áp (ACC) công suất 300.000m3/nhà máy, một dự án nhà máy gạch không nung bằng phối liệu xi măng. Tuy nhiên, hiện nay hai nhà máy gạch bê tông khí chưng áp chưa triển khai, có khả năng đề xuất thu hồi dự án, do thời gian nghiên cứu quá lâu - trên ba năm; còn một dự án gạch không nung bằng phối liệu xi măng đang xúc tiến đầu tư.

Để ngành sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh nói chung, địa bàn các huyện nói riêng phát triển ổn định bền vững, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong tỉnh, trong khu vực. UBND huyện có một số đề nghị như sau:

1. Đế thực hiện nghiêm túc và có kết quả chương trình phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020 tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ, và Chỉ thị số 10 ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh cần xúc tiến xây dựng chương trình, đề án phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh đến năm 2020 có tính đến năm 2025 trên cơ sở nguồn nguyên liệu hiện có tại địa phương, công nghệ sản xuất và thị hiếu tiêu dùng của thị trường tiêu thụ trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh phê duyệt, để các địa phương có cơ sở quản lý và phát triển ngành vật liệu xây dựng tại địa phương, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.

2. Cụ thể hóa các chính sách ưu đãi của Chính phủ, xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh để thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng của Chính phủ; triển khai thực hiện ba nhóm giải pháp về chính sách ưu đãi, giải pháp về khoa học kỹ thuật và nhóm giải pháp về thông tin, tuyên truyền của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

3. Đề nghị không phát triển thêm nhà máy sản xuất gạch tuynel và không mở rộng quy mô sản xuất của các nhà máy hiện có trên địa bàn huyện Đại Lộc./.

Ngày đưa tin:  19/08/2013
TIN TỨC - HOẠT ĐỘNG
Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết - Xây dựng ký túc xá; các hạng mục thiết yếu đạt tiêu chuẩn trường chuyên (giai đoạn 2)
Trụ sở làm việc Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Nhiệm kỳ 2023-2028 của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam
Tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông Nhiệm kỳ 2023-2028
Trụ sở Công an xã Cẩm Thanh
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam năm 2022
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam năm 2022 v/v thay đổi địa chỉ TSLV CTy
Tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022
Nhà làm việc và lưu trữ tài liệu huyện Phú Ninh
Nâng cấp trụ sở làm việc, văn phòng Công ty Truyền tải điện 2
1 / 30 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Bản quyền của CTCP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam
Địa chỉ: 01 Trần Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam; ĐT-Fax: 0235 3810913; Email: quyhoachqnam@gmail.com
Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 được chứng nhận bởi Kencert; Số: 13222100 ngày 24/01/2021
Design by CTI JSC - Võ Văn Mỹ: 0982448117