TRANG CHỦ GIỚI THIỆU HOẠT ĐỘNG TIN TỨC LIÊN HỆ Thứ bảy, 20/04/2024
TIN TỨC
Tham luận Hội thảo “ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN 2020”

Tham luận Hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển VLXD Quảng Nam”

ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN 2020

 Nguyễn Tâm

 Công ty Cổ phần Đất Quảng

 

Việc đô thị hóa trên cả nước ngày càng phát triển đồng nghĩa với sự phát triển của ngành xây dựng và vật liệu xây dựng. Riêng đối với ngành VLXD, trong hơn 20 năm qua đã có sự phát triển đáng kể về số lượng, quy mô trên các lĩnh vực như: xi măng, gạch đất nung, gạch không nung, gạch ceramic, đá ốp lát, kính xây dựng,…Tuy nhiên sự phát triển ngành VLXD trong những năm qua còn nhiều bất cập, thiếu định hướng, mất cân đối, gây tác động ô nhiễm không nhỏ đến môi trường sống và môi trường canh tác nông nghiệp.

Nhằm chấn chỉnh và định hướng cho ngành sản xuất VLXD, Chính phủ và Ngành Xây dựng đã ban hành một số văn bản nhằm đưa ngành VLXD của chúng ta đi đúng hướng, đáp ứng được yêu cầu phát triển và lợi ích chung của toàn xã hội.

- Ngày 29 tháng 08 năm 2008 Thủ Tướng Chính phủ đã ra Quyết định số: 121/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020.

- Ngày 28 tháng 4 năm 2010 Quyết định số 567/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020.

- Ngày 16 tháng 4 năm 2012, Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

- Bộ Xây dựng có Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28 tháng 11 năm 2012 về việc Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.

Nhìn nhận, đánh giá về phát triển VLXD nói chung và trên địa bàn địa phương có thể thấy nổi lên một số vấn đề sau:

1. Về định hướng và quy hoạch, phát triển VLXD của Chính phủ và các Bộ, Ngành:

- Việc phát triển ngành VLXD phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung là một tất yếu, những văn bản của Chính phủ về Quy hoạch, chương trình phát triển VLXD Việt Nam cũng là một yêu cầu tất yếu nhằm hướng sự đầu tư, phát triển ngành VLXD đi đúng hướng, bảo đảm lợi ích lâu dài và phù hợp với xu thế chung của thế giới.

- Thời hạn (tầm nhìn) định hướng trong vòng 10 năm (2008 - 2020) kể từ khi ban hành văn bản là quá ngắn, trong khi các Bộ, Ngành liên quan tổ chức việc triển khai thực hiện lại chậm, nhiều doanh nghiệp không nắm bắt được các chủ trương của Nhà nước về vấn đề này; chưa xây dựng được lộ trình nhằm cụ thể hóa văn bản của Chính phủ đồng thời dẫn dắt địa phương và doanh nghiệp đi đúng hướng.

2. Về những tồn tại trong việc quy hoạch, phát triển VLXD trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng:

- Từ việc những chủ trương, chính sách phát triển VLXD của Nhà nước không được cụ thể hóa và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ nên trong vòng 20 năm qua đã có sự phát triển ồ ạt của một số lĩnh vực VLXD như xi măng, sắt thép, gạch nung, khai thác đá cát sỏi,… đầu tư không được quy hoạch, thiếu kiểm soát nên đã xảy ra nhiều hệ lụy như cạnh tranh không lành mạnh, khai thác tài nguyên bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường,…

- Chưa có định hướng rõ ràng cho các bước đi của ngành VLXD và chưa tổng kết được một cách đầy đủ và đúng mức những ưu, khuyết, những tồn tại trong việc quản lý cũng như đầu tư phát triển VLXD trong thời gian qua.

3. Về định hướng và nhiệm vụ phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh Quảng Nam:

3.1. Tiềm năng VLXD trong tỉnh Quảng Nam:

Quảng Nam là một trong nhiều địa phương có tiềm năng để sản xuất VLXD với các nguồn nguyên liệu như đá, cát, sỏi, đá granit, đá vôi, kaolin, đất sét,…

Sản phẩm được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu trên bao gồm: gạch block,  gạch lát bê tông (không nung), gạch bê tông nhẹ các loại (gạch keramzit, gạch bê tông khí chưng áp), đá hộc, đá ốp lát granit, gốm ceramic, xi măng, gạch đất nung,…

Tuy nhiên nhược điểm của nguồn nguyên liệu hầu hết thường có quy mô nhỏ, chất lượng không cao và phân tán.

3.2. Sự quản lý và định hướng của Nhà nước:

- Do đặc thù của ngành VLXD, mỗi địa phương có thế mạnh riêng, do đó mỗi địa phương cần phải có bộ máy nghiên cứu, tham mưu nhằm đề ra được chương trình phát triển VLXD phù hợp dựa trên thế mạnh sẳn có của mình.

- Cần có biện pháp quản lý, phát triển lĩnh vực VLXD một cách đồng bộ, nhất quán phù hợp với từng giai đoạn phát triển về nhu cầu sản phẩm, không phát triển tràn lan, chạy theo phong trào hoặc lợi ích trước mắt của doanh nghiệp hoặc của địa phương.

- Quản lý chặt chẽ việc khai thác nguồn tài nguyên, bảo đảm cho sự đầu tư phát triển của doanh nghiệp, lợi ích Nhà nước và tránh sự xâm hại đối với môi trường.

4. Một số vấn đề cần quan tâm về sự phát triển của 2 loại VLXD cơ bản hiện nay (gạch nung và gạch không nung) theo chủ trương của Nhà nước:

* Về gạch không nung:

+ Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28 tháng 4 năm 2010 về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020:

- Phát triển sản xuất vật liệu xây không nung từ các nguyên liệu như xi măng, đá mạt, cát và tro xỉ nhiệt điện…

- Tỷ lệ gạch không nung đến năm 2015 là 20 ÷ 25% và năm 2020 là 30 ÷ 40% tổng số vật liệu xây trong nước.

- Gạch xi măng - cốt liệu: tỷ lệ gạch xi măng - cốt liệu trên tổng số vật liệu xây không nung khoảng 74% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020, còn lại là gạch nhẹ.

Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28 tháng 11 năm 2012 của Bộ Xây dựng: Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình:

- Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

- Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.

Việc triển khai các quy định này là cần thiết nhưng không đơn giản. Trong thực tế tại Quảng Nam chỉ có 2 loại cát và đá. Vấn đề tồn tại là:

- Khai thác cát ở đâu ? Khi mà nhu cầu cát cho việc tô trát công trình, đổ bê tông xây dựng trong nhiều năm qua đã gây ra không ít sự tàn phá của môi trường sông, gây sạt lỡ, mất đất nông nghiệp, xâm hại đến nơi cư trú của dân cư.

- Nguồn nguyên liệu cát chưa được điều tra, nghiên cứu, quy hoạch.

- Chi phí khai thác đá cao, chi phí vận chuyển từ đầu vào đến đầu ra trong sản xuất sẽ tăng cao làm cho giá thành tăng so với gạch nung hiện nay (trừ nhà máy có nguồn nguyên liệu tại chỗ), điều đó sẽ ảnh hưởng đến giá thành công trình hoặc không được chủ đầu tư chấp nhận.

- Những vật liệu mới (gạch bê tông, bê tông nhẹ) còn có một số nhược điểm khác cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng như: độ hấp nhiệt về mùa nắng (với gạch block) và độ hút ẩm (đối với gạch nhẹ).

Việc sử dụng gạch không nung trong xây dựng cần xem xét thấu đáo những yếu tố thực tế khách quan của cơ chế thị trường;

* Về gạch nung:

Trong hơn 20 năm qua, gạch đất nung đã góp phần tích cực cho sự phát triển của ngành xây dựng nói riêng và nền kinh tế trên cả nước nói chung, cần được xem xét và đánh giá đúng vai trò trong ngành sản xuất VLXD toàn quốc.

Sản phẩm gạch nung đã có nhiều ưu điểm như nguyên liệu tại chỗ, giá thành rẻ,… các doanh nghiệp VLXD sản xuất gạch nung cũng đã đóng góp rất nhiều cho các đia phương trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều nơi đã cho phát triển ồ ạt các nhà máy gạch, nhất là trong 10 năm qua và đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và cạnh tranh không lành mạnh.

Hiện tại, gạch nung là loại VLXD vẫn đang có những ưu thế về nhiều mặt trên thị trường như: đã có thị trường cung ứng tốt, sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng kể cả các công trình có quy mô lớn, tính hấp nhiệt thấp phù hợp với môi trường nóng của nước ta.

5. Một số ý kiến và kiến nghị:

* Về vật liệu không nung:

- Phát triển VLXD phù hợp với yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội là một yêu cầu tất yếu, tuy nhiên cần phải có bước đi thích hợp, tập trung nghiên cứu, quy hoạch và đề ra chương trình cụ thể theo từng địa phương, tránh chạy theo phong trào.

- Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư phát triển gạch không nung, bảo đảm doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh có hiệu quả, hạn chế sử dụng mệnh lệnh hành chính để can thiệp việc cạnh tranh của các doanh nghiệp.

* Về gạch nung:

- Quản lý và ngăn chặn những cơ sở sản xuất gạch nung không bảo đảm môi trường, quản lý việc khai thác tài nguyên cát, sét,...

* Về công tác quản lý Nhà nước:

Nhà nước cần thực hiện việc quản lý tốt tài nguyên sản xuất VLXD và môi trường, kiên quyết đình chỉ những cơ sở sản xuất thủ công và những cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Bảo đảm việc phát triển gạch không nung không tác hại đến môi trường./.

Ngày đưa tin:  19/08/2013
TIN TỨC - HOẠT ĐỘNG
Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết - Xây dựng ký túc xá; các hạng mục thiết yếu đạt tiêu chuẩn trường chuyên (giai đoạn 2)
Trụ sở làm việc Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Nhiệm kỳ 2023-2028 của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam
Tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông Nhiệm kỳ 2023-2028
Trụ sở Công an xã Cẩm Thanh
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam năm 2022
Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của CTCP Viện Quy hoạch ĐT-NT Quảng Nam năm 2022 v/v thay đổi địa chỉ TSLV CTy
Tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022
Nhà làm việc và lưu trữ tài liệu huyện Phú Ninh
Nâng cấp trụ sở làm việc, văn phòng Công ty Truyền tải điện 2
1 / 30 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Bản quyền của CTCP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam
Địa chỉ: 01 Trần Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam; ĐT-Fax: 0235 3810913; Email: quyhoachqnam@gmail.com
Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 được chứng nhận bởi Kencert; Số: 13222100 ngày 24/01/2021
Design by CTI JSC - Võ Văn Mỹ: 0982448117